Offenbar hast du diese Funktion zu schnell genutzt. Du wurdest vorübergehend von der Nutzung dieser Funktion blockiert.
Offenbar hast du diese Funktion zu schnell genutzt. Du wurdest vorübergehend von der Nutzung dieser Funktion blockiert.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu xa bão số 3, từ tối 6/9 và sáng 7/9, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã có mưa vừa, mưa to trên diện rộng. Mưa lớn kéo dài kèm theo gió mạnh khiến hàng chục cây xanh ở thành phố Vĩnh Yên, thành phố Phúc Yên, huyện Bình Xuyên... bị bật gốc. Hàng trăm cây xanh khác bị gãy thân cây hoặc gãy cành, làm hư hỏng một phần công trình xây dựng, nhà ở, hệ thống điện sinh hoạt... Không ít biển quảng cáo tấm lớn trên các tuyến đường của thành phố Vĩnh Yên, trục quốc lộ qua Vĩnh Phúc gãy đổ, hư hỏng…
Cây to bị bật gốc trên đường Tôn Đức Thắng, thành phố Vĩnh Yên
Để khắc phục hậu quả của bão, tỉnh Vĩnh Phúc đã chỉ đạo các lực lượng, cơ quan, đơn vị... trên địa bàn khơi thông những điểm ngập nước trên các tuyến đường, lập rào chắn để đảm bảo an toàn giao thông cho người và phương tiện qua lại, huy động người và phương tiện tổ chức dọn dẹp cây xanh đổ gãy các tuyến đường, tuyến phố lớn. Ngành Điện đang tích cực khắc phục cột điện bị nghiêng, đổ và tổ chức đấu nối, đảm bảo nguồn điện an toàn cho sinh hoạt . Những điểm thiếu an toàn, có nguy cơ xảy ra tai nạn cao cho người và phương tiện như các đập tràn, đoạn đường sạt lở, ngập nước hoặc đang thi công có nhiều hố sâu... đều được cắm biển báo, có sự chỉ dẫn của lực lượng chức năng.
Một số hồ đập như hồ Xạ Hương, huyện Tam Đảo; hồ Thanh Lanh, huyện Bình Xuyên, từ ngày 6/9, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã ra lệnh xả tràn và phân công lực lượng trực 24/24 bảo đảm ứng phó trước mọi tình huống...
Thực hiện công tác phòng, chống bão, tỉnh đã thành lập 7 đoàn công tác đi kiểm tra công tác chuẩn bị ứng phó bão số 3 trên địa bàn; phân công các đồng chí thành viên Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh chủ động xuống cơ sở để chỉ đạo về công tác ứng phó với bão số 3. Các địa phương đã phân công các đồng chí lãnh đạo trực tiếp phụ trách từng địa bàn và thành lập 48 đoàn công tác xuống cơ sở để kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng, chống tại địa phương.
Các địa phương và lực lượng vũ trang đứng chân trên địa bàn tỉnh đã huy động 2.663 cán bộ chiến sĩ và xung kích phòng chống thiên tai, 68 ô tô các loại, 18 tàu, 59 xuồng, 6 xe đặc chủng. Tất cả đều ứng trực tại các địa bàn được phân công, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ khi có yêu cầu. Đồng thời chuẩn bị vật tư phòng, chống thiên tai gồm: 64.290m2 vải bạt chống sóng; 13.828m3 đá hộc; 240.883 chiếc bao tải; 3.608 chiếc rọ thép; 4.961 kg dây thép; 5.550 m2 vải lọc… Các loại vật tư trên được bảo quản trong kho và tập kết tại những vị trí xung yếu trên các tuyến đê.
Quảng Ninh cũng tiến hành cấm biển từ 11 giờ ngày 6/9/2024; cơ bản hoàn thành việc kêu gọi tàu thuyền về nơi neo đậu, di dời người dân về nơi an toàn trước 16h ngày 6/9.
Trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 3, ngay trong đêm ngày 6/9, rạng sáng ngày 7/9, TX Quảng Yên đã tổ chức cuộc họp trực tuyến với các xã, phường, chỉ đạo công tác ứng phó, đảm bảo ứng trực 24/24h. Cùng với đó, lãnh đạo thị xã đã đi kiểm tra các cửa đê dọc tuyến đê Hà Nam. Theo rà soát của thị xã Quảng Yên, trên dọc tuyến đê Hà Nam dài 34km có tổng số 70 cửa đê cần phải tiến hành lắp cánh phai.
Đêm ngày 6/9, rạng sáng ngày 7/9, toàn huyện Cô Tô đã thực hiện di tản gần 800 người đến nơi tránh bão an toàn đảm bảo các điều kiện sinh hoạt.
Sáng 7/9, sau khi kiểm tra công tác dự báo bão số 3 tại Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã họp tại Sở Chỉ huy tiền phương phòng, chống bão số 3, nghe báo cáo tình hình ứng phó với bão số 3 tại các tỉnh, thành phố: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình.
Đại diện Tổng cục Khí tượng-Thủy văn cho biết, bão đang đi vào đất liền, tâm bão ở giữa Hải Phòng và Quảng Ninh, trong đó vùng trọng điểm là Quảng Yên, Bãi Cháy, Cát Bà, Hạ Long của Quảng Ninh; An Lão, Tiên Lãng, Hải An, Đồ Sơn của Hải Phòng.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà họp tại Sở Chỉ huy tiền phương phòng, chống bão số 3 - Ảnh VGP/Minh Khôi
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, tối 7/9, do ảnh hưởng của cơn bão số 3, khu vực nội thành Hà Nội có mưa to đến rất to.
Dự báo trong khoảng từ 21 giờ đến 24 giờ ngày 7/9, khu vực nội thành Hà Nội và các vùng lân cận vẫn tiếp tục có mưa vừa đến mưa to với lượng mưa phổ biến trong khoảng từ 50-100 mm, có nơi trên 150 mm.
Cảnh báo, đợt mưa này có khả năng sẽ gây ngập úng cho nhiều tuyến phố nội thành với độ sâu phổ biến từ 20-40 cm.
Đáng chú ý một số tuyến phố có khả năng ngập sâu hơn với độ sâu từ 30-50 cm bao gồm: Các điểm/tuyến phố chính có nguy cơ ngập như: Thụy Khuê, Dương Quảng Hàm, Phú Xá...(quận Tây Hồ); Thành Công, Huỳnh Thúc Kháng, La Thành, Liễu Giai (quận Ba Đình); Điện Biên Phủ, Núi Trúc, Ngọc Khánh, Nguyễn Trường Tộ…Phùng Hưng, Liên Trì-Nguyễn Gia Thiều, ngã tư Tạ Hiện -Lương Ngọc Quyến, phố Đinh Liệt, phố Nguyễn Siêu-ngõ Gạch, Tông Đản, ngã tư Quang Trung – Trần Quốc Toản, Thợ Nhuộm, Bà Triệu, Điện Biên Phủ, Quán Thánh, ngã ba Đường Thành -Hàng Nón (quận Hoàn Kiếm); Bùi Xương Trạch, Huỳnh Thúc Kháng, Thái Hà, Chùa Bộc, Phạm Ngọc Thạch, Tôn Đức Thắng, Khâm Thiên, Lê Duẩn, Văn Miếu- Quốc Tử Giám, Kim Liên... (quận Đống Đa); Lê Trọng Tấn, Hoàng Văn Thái, Nguyễn Ngọc Nại, Vương Thừa Vũ, Nguyễn Văn Trỗi, Nguyễn Tuân, Lương Thế Vinh, Nguyễn Xiển, Quan Nhân - Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Trãi, Nguyễn Huy Tưởng, Phùng Khoang, đường Tố Hữu (đoạn từ Lương Thế Vinh đến Trung Văn)… (quận Thanh Xuân); Nguyễn Khoái, Lạc Trung, Mạc Thị Bưởi, Hàng Chuối, Trần Xuân Soạn, Thanh Nhàn, Yec-xanh (quận Hai Bà Trưng); ngã tư Dương Đình Nghệ-Nam Trung Yên (phía sau Tòa nhà Keangnam), Hoàng Quốc Việt (gần Đại học Điện Lực), Phan Văn Trường, Phùng Chí Kiên, Trần Bình, phố Hoa Bằng (quận Cầu Giấy); Thịnh Liệt, Đường Đền Lừ, Đường Hoàng Mai, phố Vĩnh Hưng, Trương Định, Lĩnh Nam, Định Công ...(quận Hoàng Mai); phố Kẻ Vẽ, Trần Cung, ga Nhổn Nam Từ Liêm phố Đỗ Đức Dục, phố Phùng Khoang, hầm chui dân sinh qua Đại lộ Thăng Long... (quận Bắc Từ Liêm); Cổ Linh, Đàm Quang Trung, Nguyễn Văn Cừ, Ngọc Lâm, Hoa Lâm (gần ngõ 80)... (quận Long Biên); phố Triều Khúc, đường Quyết Thắng, Tô Hiệu, Yên Nghĩa... (quận Hà Đông).
Độ rủi ro thiên tai do ngập lụt cấp 1. Các phương tiện tham gia giao thông trên các tuyến phố ngập sẽ bị ảnh hưởng, khó khăn khi di chuyển.
Đề phòng mưa lớn gây ngập lụt tại khu vực trũng thấp, khu đô thị và khu công nghiệp, Hà Nội đã vận hành 9 trạm bơm tiêu với 32 máy bơm, tổng lượng bơm tiêu khoảng 79.300 m3/h.
Hà Nội tổ chức ứng trực đảm bảo sản xuất và sẵn sàng ứng phó với bão số 3 với 20 phương tiện xe stec (5-10) m3 để cấp nước kịp thời những khu vực bị mất nước cục bộ. Công ty nước sạch Hà Nội sẵn sàng các phương án cấp nước phục vụ nhân dân, trong đó bố trí 500 bình nước loại 20 lít/bình, sẵn sàng cung cấp cho những khu vực không có nguồn nước khi bị bão lũ chia cắt.
Theo báo cáo của Cục Cứu hộ cứu nạn, Bộ Tổng Tham mưu QĐND Việt Nam, quân đội đã huy động hơn 450.000 người và hơn 10.000 phương tiện sẵn sàng ứng phó siêu bão số 3.
Trong đó, có hơn 400 xe đặc chủng, hàng nghìn ô tô, tàu thuyền và 6 máy bay trực thăng. Các Quân khu 1, 2, 3, 4, 5; Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội đã hỗ trợ nhân dân chằng chống nhà cửa và di dời khỏi khu vực nguy hiểm.
Cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 3 thực hiện nhiệm vụ tại huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa
Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng chỉ đạo Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Bình Định quản lý chặt chẽ các phương tiện ra khơi; tổ chức kiểm đếm, hướng dẫn sắp xếp neo đậu tàu, thuyền tại nơi tránh trú an toàn, xử lý kịp thời tình huống có thể xảy ra.
Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) đã huy động 6.500 người, hơn 110 đội ứng cứu thông tin, trang bị thêm hàng nghìn máy phát điện để tránh bị đứt gãy thông tin, đường truyền, đảm bảo an toàn thông tin liên lạc trong thời gian bão đổ bộ vào đất liền.